Các gia đình có con nhỏ luôn boăn khoăn không biết làm thế nào để cân bằng một chế độ dinh dưỡng tốt và phù hợp cho tất cả mọi thành viên. Bọn trẻ thường thích những món như gà rán, khoai tây chiên, bánh pizza… còn người lớn thì có vẻ chuộng những món ăn tốt cho sức khoẻ hơn.

1.Triển khai chế độ dinh dưỡng cho cả nhà

Nhiều phụ huynh chọn giải pháp là cưng chiều con bằng cách cung cấp bữa ăn cho cả gia đình theo chế độ dinh dưỡng của trẻ nhỏ, nhưng đây chưa phải là phương thức hoàn hảo nhất cho chế độ ăn uống của gia đình bạn. Tốt nhất, bạn nên kết hợp sở thích của mọi người để triển khai một chế độ ăn uống lành mạnh cho cả gia đình mà mọi người vẫn cảm thấy thích thú, ngon miệng khi thưởng thức chúng.

Chế độ dinh dưỡng cân bằng cho cả nhà khỏe mạnh. Nguồn: Images.


2. Mọi người cùng tham gia

Điều quan trọng nhất của một chế độ ăn uống khoẻ mạnh là mọi người phải thực sự hứng thú với nó, và cách tốt nhất để tạo ra sự hứng thú không gì bằng việc họ được trực tiếp tham gia chuẩn bị những bữa ăn của mình, nhất là đối với trẻ nhỏ. Bạn hãy cho các bé xem những món ăn được đăng trên sách báo, tạp chí và để bé lựa chọn.

Sau đó, bạn có thể dẫn bé đi siêu thị để chọn mua những nguyên liệu chế biến món ăn ấy. Ngoài ra, đây còn là cơ hội tuyệt vời để bạn dạy cho trẻ về dinh dưỡng, thực phẩm. Đặc biệt, những gian hàng rau quả ở siêu thị sẽ rất bắt mắt bọn trẻ, hãy hướng dẫn chúng lựa chọn những loại trái cây ngon nhất để chúng dần làm quen với một chế độ dinh dưỡng lành mạnh.          
         
3. Chế độ ăn kiêng phù hợp mục tiêu

Có thể một thành viên của gia đình bạn đang theo đuổi một chế độ dinh dưỡng riêng tùy thuộc vào từng thể trạng nhất định. Muốn có được một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho cả nhà, bạn cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng riêng của mỗi người, chẳng hạn, có người đang cần ăn kiêng để giảm cân thì cần hạn chế các món béo, giảm ăn vặt khi xem ti vi.

Nên nhớ, đừng bao giờ cắt giảm khẩu phần một cách đột ngột, hãy giảm mỗi lần một ít cho đến khi người ăn kiêng thích nghi được với khẩu phần mới. Ngoài ra, cả gia đình bạn nên cùng nhau thiết lập những mục tiêu chung, chẳng hạn như giảm ăn các món chiên xào, tăng cường rau xanh và trái cây.   

4. Thực hiện từng bước

Đối với những gia đình có thói quen ăn khuya, hãy loại bỏ thói quen này bằng cách cắt giảm lần lượt hoặc dần thay thế chúng bằng những món ăn ít năng lượng hơn. Bắt đầu bằng những điều chỉnh nhỏ như không uống nước ngọt vào ban đêm. Ban ngày, thay vì uống nước ngọt, bạn có thể chọn sữa hoặc nước lọc để tránh nguy cơ tăng cân. Khi đã quen uống sữa, bạn có thể chuyển dần từ sữa béo đến sữa ít béo hơn, và sau đó là chuyển qua sữa gầy. Đối với các bữa phụ, hãy thay thế các món nhiều năng lượng bằng các loại trái cây tươi hay nước ép trái cây.

Nên bổ sung thêm nhiều rau xanh vào bữa ăn hàng ngày. Nguồn: Images.


5. Bổ sung rau xanh và trái cây

Bên cạnh việc khuyến khích các thành viên ăn nhiều trái cây và rau xanh, bạn có thể bổ sung thêm rau xanh và trái cây vào các món ăn hằng ngày như dùng trái cây tươi làm món tráng miệng, uống nước ép rau hoặc trái cây. Đối với các loại súp hay nước sốt, bạn cũng có thể cho thêm một vài loại trái cây xắt nhỏ, đối với các loại bánh mì kẹp, bạn có thể bổ sung thêm một vài lát trái cây và rau xanh để tăng cường nguồn chất xơ có lợi cho sức khỏe.  
     
6.Thực đơn sáng tạo

Hãy mang lại bất ngờ cho các bữa ăn bằng cách thử nghiệm nhiều thực đơn mới lạ. Chẳng hạn, bạn có thể hoán đổi các bữa ăn trong ngày để mang lại cảm giác thú vị, đó có thể là một buổi sáng thịnh soạn và một bữa ăn trưa với bánh mì ốp la, ngũ cốc. Những thay đổi nhỏ này thường khiến trẻ con thích thú, còn bạn thì cũng không phải bỏ ra quá nhiều thời gian hay công sức. Tùy thẻo khả năng của bạn và đặc điểm của các con mà bạn có thể sáng tạo theo cách của riêng mình.

7.Thử những bữa ăn không có thịt

Đối với một bữa tối lành mạnh và tốt cho sức khoẻ thì các món chế biến từ thịt là không cần thiết. Ngoài ra, bạn còn có thể tiết kiệm tiền bằng cách thay thế thịt bằng những thực phẩm giàu protein như trứng, đậu hủ và một số loại hạt. Những thực phẩm này hoàn toàn có thể chế biến được các món súp hay nước sốt rất ngon mà lại tốt cho sức khoẻ của gia đình bạn.                      

8. Thực đơn phong phú

Đừng vì con bạn thích ăn một món nào đó mà bạn cứ chăm chăm nấu món ấy thường xuyên. Đặc biệt là đối với các loại rau và trái cây, trẻ em thường rất kén ăn nên các bà mẹ rất vui mừng khi con mình tỏ ra yêu thích một món ăn hay  loại thực phẩm nào đó và thế là, họ hầu như rất hay nấu cho con món đó.


Nhưng thực ra, khẩu vị của trẻ nhỏ sẽ thay đổi theo thời gian và bạn cần phải thường xuyên giới thiệu cho trẻ những loại rau và trái cây mới với những cách chế biến khác nhau. Bạn có thể tạo ra cho bé những hứng thú khi bước đầu tiếp xúc với những loại thức ăn mới này bằng cách nói cho con nghe về những điều thú vị của loại thực phẩm ấy.

9. Khuyến khích trẻ sáng tạo những món ăn tốt cho sức khỏe

Những loại rau quả bình thường nhất cũng có thể trở thành những món ăn ngon và độc đáo nếu bạn biết cách chế biến. Hãy giúp con bạn lựa chọn các loại rau quả yêu thích và  hướng dẫn trẻ tự sáng tạo các món ăn theo cách mà bé thích, chẳng bạn như trộn trái cây xắt nhỏ vào sữa chua, cho thêm những loại trái cây yêu thích khi chế biến bánh nướng… Hãy cho con bạn thấy rằng, những món như rau và trái cây không chỉ tốt cho sức khoẻ mà còn hấp dẫn không thua gì các món ăn giàu năng lượng khác.

10. Trái cây và rau xanh luôn sẵn sàng

Bạn sẽ không kiểm soát được chế độ ăn uống của các thành viên nếu bạn để quá nhiều loại thức ăn khác nhau ở nhà. Các con bạn sẽ tha hồ lựa chọn và chắc chắn, chúng sẽ bị lôi cuốn bởi những thực phẩm giàu chất béo, ngọt . Những lời dặn dò của bạn sẽ khó lòng thắng nổi sức hấp dẫn của những món ăn này. Vì vậy, bạn chỉ nên để sẵn các loại trái cây và rau xanh trong tủ lạnh để mọi thành viên trong gia đình đều có thể thưởng thức chúng bất cứ lúc nào.