Theo GS TS Trần Quán Anh – Trường khoa nam học bệnh viện Việt Đức. Mãn dục nam giới có 12 triệu chứng:

Có 3 triệu chứng liên quan tình dục:
– Giảm ham muốn tình dục
– Rối loạn cương dương
– Giảm số lượng tinh trùng – khó có con

Có 9 triệu chứng biểu hiện toàn thân:
– Tăng lượng mỡ – nhất là mỡ bụng
– Teo khối lượng cơ – giảm trương lực cơ
– Giảm mật độ khoáng xương
– Rối loạn tim mạch
– Biến dạng da, lông, tóc móng
– Suy giảm thần kinh
– Suy giảm Tinh thần – Tâm lý
– Suy giảm hệ thống tạo máu

Cần lưu ý: Các thầy thuốc và bệnh nhân thường bị lệch hướng chuẩn đoán và quan tâm nhiều tới các triệu chứng toàn thân mà quên mất vấn đề mãn dục

1. Testosterone máu giảm gây nên giảm ham muốn tính dục vì nội tiết tố testosterone có tác động kích thích sự ham muốn tình dục.

2. Testosterone máu giảm gây hiện tượng rối loạn cương dương với chức năng làm cương cứng dương vật, testosterone có tác dụng kích thích tăng ham muốn tình dục. Sự tăng ham muốn tác động lên võ não. Võ não truyền mệnh lệnh xuống hệ thần kinh phó giao cảm gây giãn mạch và dương vật cương cứng.

3. Testosterone máu giảm làm suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng:
Theo cơ chế nội tiết tố FSH từ tuyến yên kết hợp với testosterone tác động lên tế báo Serfoli ở tinh hoàn làm tăng trưởng và sản sinh tinh trùng
Ở người cao tuổi hoặc mãn dục nam giới, lượng và chất tinh trùng sẽ giảm sút và khó có thể sinh con.

4. Vai trò của nội tiết tố testosterone với sự tạo mỡ trong cơ thể:
Sự tạo mỡ trong cơ thể con người, phụ thuộc vào nội tiết men tiêu hóa Leptine. Nội tiết tố Leptine sản sinh ra các tế bào mỡ. Lượng nội tiết tố Leptine ở nam thấp hơn ở phụ nữ cho nên các lớp mỡ dưới da của phụ nữ thường dầy hơn ở nam giới. Một chế độ dinh dưỡng tốt hoặc một bữa ăn có nhiều chất dinh dưỡng làm cho nội tiết tố Insuline và Leptine tăng cao.
Tuổi già kèm theo sự giảm sút lượng nội tiết tố testosterone tác động làm tăng nội tiết tố Leptine đồng nghĩa với sự tăng trưởng các tế bào mỡ. Sự tích tụ mỡ được hình thành cho cơ chế phát sinh như vậy.
Sự tích tụ mỡ gây ra hội chứng béo phì. Mỡ xâm lấn vào nội mạc mạch máu gây ra các bệnh tắc mạch. Mỡ xâm lấn vào các cơ quan gây ra các bệnh nhiễm mỡ. Đặc biệt gây ra tình trạng béo bụng.

5. Vai trò của nội tiết tố testosterone trên các thành phần không mỡ trên cơ thể:
Ngược lại với sự tăng trưởng các tế bào mỡ khi nội tiết tố testosterone giảm, các khối lượng không có mỡ khối lượng các cơ quan, cơ bắp trên khung xương, các dịch ngoài tế báo sẽ giảm sút gây nên tình trạng
– Các cơ bắp teo tóp lại làm giảm diện tích của cơ thể.
– Trương lực cơ sẽ giảm sút gây nên tình trạng lười vận động, dễ mệt mỏi.
– Khối lượng các phụ tạng giảm sút gây nên sự mất thăng bằng trong chuyển hóa , gây nên sự suy giảm các hoạt động bình thường của từng phủ tạng thí dụ như biếng ăn, khó ngủ.
Giải thích đơn giản cơ chế là các cơ vận động nơi nhận cảm các nội tiết tố nam giới phần lớn là testosterone trong đó men 5 alpha reductase và nội tiết tố Dihydrotestosterone đóng vai trò rất quan trọng. Các nội tiết tố này làm tăng khối lượng cơ bằng cách làm nở to các sợi cơ duy trì độ bền vững của trương lực cơ.
Cũng do tác động qua lại đó, người ta cũng nhận thấy sự tập luyện vận động cơ bắp làm cho lượng testosterone trong cơ thể tăng lên. Tuy nhiên cường độ của sự luyện tập cũng có những tác động khác nhau.
Một công trình nghiên cứu của Kern trên 19 lực sĩ tập luyện quá nặng và kéo dài vào cuối buổi chiều cho kết quả lượng nội tiết tố testosterone và nội tiết tố LH ở thời điển đó bị giảm sút.
Sự căng thăng trong luyện tập và thi đấu cũng có tác dụng tương tự, điều đó giải thích được hiện tượng một cầu thủ bóng đá cấp quốc gia sau các cuộc thi đấu căng thăng triền miên đã bị bệnh rối loạn cương dương do nội tiết tố testosterone bị giảm thấp dưới mức bình thường.

6. Vai trò của testosterone trong chuyển hóa cấu tạo xương
Xương là một khối lượng rắn chắc không có mỡ trong cơ thể con người, một thủ thể nhận cảm tác dụng của nội tiết tố tình dục nói chung và của testosterone nói riêng. Testosterone tăng trưởng giúp cho sự gắn kết chắc chắn giữa thân xương và màng xương để rồi phát triển đồng bộ độ lớn và độ dài của xương. Testosterone cũng giúp cho sự phát triển kết cấu của xương do độ mật tinh thể calcium tăng trưởng.
Tuổi già và sự giảm sút nồng độ testosterone trong máu dễ gây ra bệnh loãng xương và dễ bị gẫy xương lớn do những nguyên nhân rất vô lý.
Sự suy giảm các nội tiết tố tình dục gây loãng xương giữa nam và nữ có khác nhau:
– Ở nữ: Nội tiết Estrogen hạ thấp đột ngột ở thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh gây ra hậu quả loãng xương, giảm độ kết cấu xương đột ngột. Các bệnh về xương, loãng xương, gẫy xương lớn ở nữ thường nhiều hơn ở nam.
– Ở nam: Nội tiết tố Testosterone giảm từ từ theo lứa tuổi cho nên các hậu quả về xương cũng từ từ theo một tỷ lệ nhất định.
Theo Oefelein (2001), Benito (2003) và cộng sự:
– Tỷ lệ gẫy xương vùng hông sẽ tăng từ 1,7 triệu vào năm 1990 lên 3,9 triệu vào năm 2005 và 6,3 triệu vào năm 2050.
– 30% tổng số gẫy xương vùng hông xảy ra ở nam giới
– Tần xuất gẫy xương vùng hông ở nam giới tăng dần sau 65 tuổi. Số bệnh nhân còn sống sau một năm có 53% ở lại viện điều dưỡng, 26% phải chăm sóc tại nhà và chỉ có 21% sống một cách độc lập.
– Tỷ lệ gẫy xương vùng hông là 48% trên người có suy giảm nội tiết tố testosterone và chỉ có 12% ở người có lượng testosterone bình thường.
Để chứng minh, một nghiên cứu của Boonen trên 40 bệnh nhân gẫy xương vùng hông và 40 người đối chứng cùng tuổi cho thấy trên 40 bệnh nhân gẫy xương đều có lượng testosterone trong máu thấp hơn so với người đối chứng.
Một nghiên cứu của Wei cho thấy những người bị ung thư tuyến tiền liệt sau điều trị hoặc cắt bỏ 2 tinh hoàn hoặc dùng các thuốc làm triệt tiêu các nội tiết testosterone thì có tới 90% bị loãng xương hoặc gẫy xương như gẫy cổ xương đùi.

7. Vai trò nội tiết tố testosterone với hệ thống tim mạch:
Các biến chứng và tử vong của các bệnh tim mạch tăng cao theo lứa tuổi già là một sự thật rõ ràng.
Tỷ lệ nam gấp đôi nữ .
Phillips đã chứng minh sự giảm sút lượng testosterone kèm theo những tác nhân đặc hiệu sẽ gây ra các bệnh tim nạch nhất là các bệnh về động mạch vành.
Ba tác nhân: thuốc lá, cao huyết áp và tăng cholesterol máu kèm theo sự tích tụ mỡ sẽ gây ra sơ cứng động mạch, chít hẹp do sơ vữa động mạch. Testosterone giảm thấp cũng gây ra hàng loạt các rối loạn chuyển hóa trên các tế bào cơ trơn và khối lượng thể tisch gây ra hàng loạt bệnh.
Thông thường thì người bệnh cảm nhận thấy từng đợt tim dập nhanh, rối loạn huyết áp thất thường, các cơn đau thắt ngực, hồi hộp, lo lắng.
Các nhà tiết niệu học cũng thường thấy các bệnh tim mạch thường xuất hiện trên các người bệnh bị ung thư tuyến tiền liệt hoặc bị rối loạn cương dương vì lượng nội tiết tốt testosterone giảm thấp.

8. Liên quan nội tiết tố androgen giảm thấp với khó thở trong khi ngủ:
Sự điều chỉnh nhịp thở trong khi ngủ do tác động của các Andrgen. Lượng testosterone giảm thấp gây ra các hiện tượng khó thở trong giấc ngủ, sự tỉnh giấc chớp nhoáng cần điều chỉnh thông khí gấp rút gây ra chứng ngáy to.

9. Vai trò của nội tiết tố Andrgen và da, lông, tóc, móng ở tuổi già
9.1. Da là một gương phản chiếu rõ nét nhất sự hiện diện của các nội tiết tốt nam giới.
Tác động của men 5 alpha reductase type 1 và men 5 alpha reductase type 2, sự hiện diện của nội tiết tố testosterone cũng như Dihydrotestosterone tạo nên một hình thái từ màu sắc, độ căng bóng, độ trun giãn của da theo từng lứa tuổi.
Da của người già là hậu quả của hai cơ chế: quá trình lão hóa da tuân thủ quy luật của nội tiết tố nam giảm dần, thêm nữa quá trình thời gian sống chịu nhiều tác động của các tia cực tím của nắng trời làm cho biến dạng.
Da biến dạng từ từ do các nguyên nhân:
– Các tế bào da (Fibroblastes Keratinocytes, melanocytes) phát triển ít đi.
– Các mạch máu nuôi dưỡng da giảm thiểu làm cho da bị sơ hóa
– Các tế bào trun giãn giảm nhiều làm cho mặt da mất sức căng láng bóng, các tế bào dưới da thoái hóa teo, hậu quả là da sẽ nhăn nheo, nhiều nhất là ở mặt, lưng và mu tay, ở các vùng đó có điểm thêm nhiều các nốt chấm đồi mồi gọi là da mồi.
9.2. Các tuyến mồ hôi giảm số lượng nên thích nghi kém với nhiệt độ:
Các tuyến bã giảm số lượng. Tốc độ tăng tạo lông và tóc giảm không kịp bù trừ cho số bị thoái hóa cho nên lông và tóc rụng nhiều trở nên thưa thớt. Màu sắc lông và tóc cũng chuyển sang màu bạc trắng.
9.3. Móng chân, tay sẽ mỏng dần và dễ gẫy:

10. Hệ thân kinh suy giảm:
Các tế bào thần kinh bị thoái hóa, teo tóp mất chức năng. Các phản xạ kém độ nhậy cảm gây ra sức ỳ trong mỗi động tác và cử động gây nhiều vùng đau không phải do chấn thương.

11. Sự chỉ huy của não bộ suy thoái: do các tế bào não bị thoái hóa toàn bộ hoặc từng vùng gây ra hàng loạt các biến đổi ở người già đồng nghĩa với testosterone trong máu giảm thường có những biểu hiện như sau:
11.1. Trong nghiên cứu của Nilson và cộng sự năm 1995 về sự liên quan giữa nồng độ testosterone nội sinh và stress tâm lý xã hội về chất lượng cuộc sống khảo sát trên 439 nam giới cao tuổi cho những kết quả cụ thể.
11.2. Mãn dục nam giới kết hợp với những biến số tâm lý xã hội cho những tiêu cực về chất lượng cuộc sống:
– Điểm số trầm cảm của Beck sẽ tăng
– Lười hoạt động thể dục
– Hay dùng thuốc giảm đau
– Hay nhức đầu
– Cảm thấy luôn luôn mệt mỏi toàn thân
– Hay quên, hay nhầm lẫn và hiểu sai
– Ít quan tâm đến tình dục
– Sức khỏe toàn thân suy sụp
– Dễ tổn thương tinh thần hay tủi thân
– Hay đau bất kì vùng nào
– Thích lối sống cô độc ít muốn tham gia vào những chuyện đời thường

12. Rối loạn hệ thống tạo máu:
Nội tiết tố nam giới giữ vai trò quan trọng hệ thống tạo máu. Nội tiết tố nam giới giảm sẽ gây nên sự rối loạn trong huyết đồ đặc biệt suy giảm Hematocrite và hemoglobine nói riêng và hồng cầu nói chung.
Sắc diện da xanh lướt, mất vẻ hồng hào ở da mặt, môi, các ngón tay.
Công trình của Hawskins cho thấy lượng hemoglobine giảm xuống rõ rệt theo từng lứa tuổi:
21 – 30 tuổi: 15g/ldl
51 – 60 tuổi: 14,5g/ldl
81 – 90 tuổi: 13,5g/ldl

91- 100 tuổi: 11,3g/ldl
Công trình của Hamiron cho kết luận những người cắt bỏ 2 tinh hoàn sẽ bị giảm nồng độ hemoglobine trong máu. Nghiên cứu lượng hemoglobine trong máu trên 54 người bình thường và 60 người bị cắt bỏ tinh hoàn cho thấy nồng độ ở người bị hoạn thấp hơn 10% so với người bình thường.

GS TS Trần Quán Anh
Chủ tịch Hội y học giới tính Việt Nam