Di tinh theo quan niệm của Đông yNhiều người khi mắc phải chứng di tinh thường rơi vào tình trạng xấu hổ, mặc cảm, lo lắng. Sự lo lắng càng làm cho chứng di tinh thêm trầm trọng hơn.
Nhậu nhẹt bia, rượu quá nhiều làm ảnh hưởng tì vị, có thể dẫn đến di tinh.
Tuy nhiên các nhà chuyên môn cho rằng di tinh không hoàn toàn là bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về vấn đề này.
Là hiện tượng xuất tinh ngoài ý thức kiểm soát của người đàn ông, do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Di tinh xuất hiện lần đầu tiên ở thời kỳ thiếu niên khi cơ thể người con trai bước vào thời trưởng thành (đông y gọi hiện tượng này trong lần đầu tiên là thông tinh) và có thể kéo dài đến tận khi có tuổi, nếu là bệnh nặng.
Thời gian xuất hiện hiện tượng di tinh lần đầu nhiều nhất thường là vào mùa hè, mùa xuân, ít nhất là mùa đông, vì mùa hè, mùa xuân là lúc hoạt động tình dục, cũng như quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người diễn ra mạnh mẽ nhất.
Thời gian giữa các lần di tinh ở mỗi người một khác, nhưng thường là 2 lần/1 tháng, thậm chí mỗi tuần vài lần. Nếu 2 lần/1 tháng thì đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường, không cần phải chữa trị. Nhưng nếu mỗi tuần vài lần thì cần phải tìm hiểu nguyên nhân để chữa trị kịp thời vì lúc này di tinh đã chuyển sang bệnh lý không còn là hiện tượng sinh lý bình thường của lứa tuổi dậy thì.
Đối với loại di tinh sinh lý thì nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển của dịch nội tiết, cũng như tinh dich. Sự phát triển này đến một mức độ nhất định sẽ dẫn đến hiện tượng xuất tinh khi gặp bất cứ sự kích thích nào. Đông y coi hiện tượng di tinh tự nhiên này là một việc đương nhiên “đầy quá ắt tràn”, đồng thời coi đó là biểu hiện trưởng thành, thận khí đầy đủ của người con trai, hoàn toàn không phải là bệnh tật gì.
Đối với loại di tinh bệnh lý thì hiện tượng di tinh có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu xuất phát từ hai nguyên nhân sau:
+ Do các cơ quan sinh dục bị bệnh, ví dụ như: viêm quy đầu, viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo… làm cho trung tâm kích thích tình dục rơi vào trạng thái hưng phấn.
Hoặc cũng có thể do da dương vật mỏng, da bọc quy đầu quá dài làm cho cáu bẩn trên da bao quy đầu khó được khử sạch cũng có thể kích thích quy đầu gây nên hiện tượng di tinh.
+ Do hưng phấn tình dục đại não quá mãnh liệt, tư tưởng quá tập trung vào vấn đề tình dục, chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi sách báo, phim ảnh gợi dục, cũng như sinh hoạt tình dục không điều độ dẫn đến di tinh bệnh lý.
Theo y học cổ truyền bệnh có liên quan tới chức năng của các tạng tâm, can, thận. Do tâm thận quá vượng thịnh, tình dục bị kích thích gây hoạt tinh, thận y không tàng tinh; hoặc ăn quá nhiều thức ăn cay, béo, ngọt gây nên thấp nhiệt dồn xuống dưới kích thích thận hoả gây di tinh
Nguyên nhân gây di tinh thường do thận hư mất khả năng cố nhiếp, quân hoả, tướng hoả vượng thịnh hoặc do thấp nhiệt dồn xuống dưới gây nhiễu động tinh thất mà gây nên bệnh.
Âm hư hoả vượng
Do tâm âm hao tổn tâm hoả cang thịnh dẫn tới nhiễu động tướng hoả, nhiễu động tinh thất gây di tinh. Tâm có chức năng là quân chủ, tâm tàng thần, nếu tâm thần an định thì tinh tự nhiếp không bị di. Ngoài ra còn do hoạt động tình dục quá độ làm ảnh hưởng tới thận âm gây nên tướng hoả vượng thịnh mà dẫn tới di tinh.
Thận hư không tàng tinh
Do tiên thiên bất túc, làm cho thận không tàng tinh dẫn tới di tinh. Hoặc do tảo hôn, sinh hoạt tình dục quá độ gây ảnh hưởng tới thận, thận hư không tàng tinh gây nên di tinh.
Thấp nhiệt
Do uống rượu quá nhiều, ăn thức ăn béo ngọt làm ảnh hưởng tới tỳ vị, gây nên thấp nhiệt dồn xuống dưới gây nhiễu động tinh thất dẫn tới di tinh. Hoặc do âm hư hoả vượng làm ảnh hưởng tới khí hoá của thận, dồn xuống dưới gây di tinh.
Can uất hoá hoả
Do tâm tư tình cảm không được thoải mái, can không được thư thái điều đạt, hoặc tức giận ảnh hưởng tới can, can khí uất kết, sơ tiết thất thường lâu ngày hoá hoả gây nhiễu động tinh thất dẫn tới di tinh.
Các thể di tinh và bài thuốc chữa trị
Theo y học cổ truyền, di tinh có liên quan tới chức năng của các tạng tâm, can, thận. Do tâm thận quá vượng thịnh, tình dục bị kích thích gây hoạt tinh, hoặc thận không tàng tinh; ngoài ra ăn quá nhiều thức ăn cay, béo, ngọt ngậy nên thấp nhiệt dồn xuống dưới kích thích thận hoả gây di tinh. Bài viết dưới đây xin giới thiệu một số bài thuốc chữa trị tùy thể bệnh.
Thể thận hư không tàng tinh
Chứng trạng: Di tinh, đau lưng mỏi gối, hay hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai.
– Nếu thận âm hư: phiền nhiệt, họng khô, miệng khô, ra mồ hôi trộm, tiểu tiện ngắn đỏ, đại tiện táo, đau nhức trong xương, mạch tế sác.
– Nếu thận dương hư: sợ lạnh, chân tay lạnh, tiểu tiện trong dài, đại tiện phân nát.
Pháp điều trị: Bổ thận âm (nếu thận âm hư); bổ thận dương (nếu thận dương hư); cố tinh an thần.
Bài thuốc 1: Liên nhục 2 kg, hoài sơn 2 kg, khiếm thực 0,5 kg, liên tu 1 kg, sừng nai 1 kg, kim anh 0,5 kg. Tất cả tán bột mịn làm viên, uống mỗi ngày 10-20g, chia 2 lần sáng, chiều. Dùng cho cả thể thận âm hư và thận dương hư.
Bài thuốc 2: Sa uyển tật lê 80g; mẫu lệ 40g; khiếm thực 80g; liên tu 80g; long cốt 40g.
Bài thuốc 3: Tang phiêu tiêu, viễn chí, xương bồ, phục linh, đương quy, quy bản. Thành phần các vị bằng nhau tán bột làm viên uống mỗi ngày 80g, chia 2 lần. Dùng cho cả thể thận âm hư và thận dương hư.
Bài thuốc 4: Hoàng bá 12g, kim anh 12g, tri mẫu 12g, khiếm thực 12g, thục địa 16g, liên nhục 12g, quy bản 12g, tuỷ lợn 12g. Các vị tán bột, lấy tủy lợn chưng chín hoà mật ong làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 6-9g; ngày 2 lần. Dùng cho thận âm hư.
Bài thuốc 5: Thục địa 12g, đỗ trọng 8g, hoài sơn 8g, thỏ ty tử 8g, sơn thù 6g, phụ tử chế 4g, kỷ tử 8g, nhục quế 4g, đương quy 8g, cao ban long 12g. Tán bột làm viên, uống mỗi ngày 10-20g, chia 2 lần. Hoặc dùng thuốc sắc, mỗi ngày 1 thang. Dùng cho thận dương hư.
Thể tâm thận bất giao
Chứng trạng: Di tinh, mất ngủ, ngủ hay mê, đầu váng, tai ù, tâm thần không yên, ra mồ hôi trộm, tiểu nhiệt, lưỡi đỏ ít rêu.
Pháp điều trị: Tư âm giáng hoả, an thần cố tinh.
Bài thuốc: Sinh địa 12g, thiên môn 12g, đẳng sâm 15g, hoàng bá 12g, tri mẫu 12g, mạch môn 12g, tang phiêu diêu 15g, viễn chí 6g, thạch xương bồ 12g, long cốt 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Trong bài tang phiêu diêu, long cốt: sáp tinh, an thần; tri mẫu, hoàng bá: tư âm giáng hoả. Các vị thuốc phối hợp dùng có tác dụng tư âm giáng hoả, giao thông tâm thận, an thần, sáp tinh sẽ hết di tinh.
Thế tướng hoả cang thịnh.
Chứng trạng: Di tinh, người bực bội dễ cáu gắt, ngực sườn đầy tức, mặt đỏ, họng khô, miệng đắng, chất lưỡi đỏ rêu vàng.
Pháp điều trị: Thanh tả tướng hoả, an thần cố tinh.
Bài thuốc: Long đởm thảo 6g, chi tử 12g, hoàng cầm 12g, trạch tả 12g, mộc thông 9g, xa tiền tử 15g, đương quy 12g, sinh địa 12g, ngũ vị tử 6g, táo nhân 12g, long cốt 30g, mẫu lệ 30g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể thấp nhiệt:
Chứng trạng: Di tinh, miệng khô, khát nước, uống nước nhiều, tiểu tiện đỏ, tâm phiền ít ngủ, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ.
Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp.
Bài thuốc: Tỳ giải 12g, hoàng bá 9g, thạch xương bồ 9g, phục linh 12g, bạch truật 9g; đan sâm 15g, xa tiền tư 15g (bọc), xích nhược 12g.
Lương y Vũ Quốc Trung