Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tiêu chuẩn bình thường về mật độ tinh trùng trong tinh dịch của nam giới trước đây là trên 60 triệu/ml nhưng đến nay đã giảm xuống còn trên 20 triệu/ml.

                                                        Có con là mơ ước lớn của nhiều người đàn ông

Một khảo sát gần đây tại Khoa Hiếm muộn – Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM cho thấy có đến trên 70% người chồng đến khám có tinh dịch đồ dưới mức bình thường như tinh trùng ít, yếu hoặc dị dạng và không có tinh trùng.

Hiếm muộn do nam hiện nay chiếm khoảng 40% nguyên nhân, nếu tính cả những trường hợp hiếm muộn do cả vợ lẫn chồng thì nguyên nhân từ người chồng chịu trách nhiệm trong hơn 50% trường hợp hiếm muộn.

Đường đi xuống của tinh dịch đồ

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Trưởng Khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ khẳng định tình trạng vô sinh ở nam giới ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Thống kê mới nhất tại Khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ cho thấy trong 15.000 trường hợp thì có đến 10.000 trường hợp vô sinh nam. Những nghiên cứu trên thế giới ghi nhận một số yếu tố liên quan đến các rối loạn chức năng của tinh trùng như bất thường về số lượng, độ di động và hình dạng tinh trùng không ổn định…

Ghi nhận bất ngờ nhất là số lượng tinh trùng của nam giới đang ngày càng giảm dần. Cụ thể, một nghiên cứu ở Đan Mạch cho thấy trong 50 năm qua, số lượng tinh trùng ở nam giới đã giảm 42%. Còn các khảo sát của chuyên gia Anh ghi nhận số lượng tinh trùng của đàn ông Anh hiện đang giảm khoảng 2% mỗi năm.

Theo những dự báo không lạc quan, chỉ số gọi là “bình thường” có nguy cơ sẽ tiếp tục giảm. Các con số và xu hướng trên quả thật là đáng báo động vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống chung của mọi người.

Nhiều yếu tố đe dọa nam giới

Ở những trường hợp vô sinh nam được điều trị tại BV Từ Dũ, bác sĩ Nguyễn Châu Mai Phương thuộc Khoa Hiếm muộn ghi nhận trong những bất thường về chất lượng tinh trùng, nhiều nhất là thiểu năng tinh trùng. Thiểu năng tinh trùng là tình trạng suy giảm về số lượng, độ di động hoặc tỉ lệ hình dạng bình thường của tinh trùng. Còn những trường hợp không có tinh trùng chiếm khoảng 5%.

Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, có nhiều yếu tố gây giảm chất lượng và cả số lượng “tinh binh” ở nam giới như uống rượu bia, hút thuốc lá, những bệnh lây truyền qua đường tình dục, ma túy, béo phì, sử dụng kháng sinh tràn lan không đúng chỉ định. Bên cạnh đó, những thói quen sinh hoạt làm tăng nhiệt độ ở tinh hoàn cũng dẫn đến hậu quả giảm sản xuất tinh trùng như mặc đồ chật, ngồi nhiều trên xe hay do làm việc văn phòng, tắm bồn nước nóng…

Ngoài ra, cuộc sống công nghiệp cũng có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phái mạnh như khí thải công nghiệp, thuốc trừ sâu, khói xe, thuốc kích thích tăng trọng trong vật nuôi, chất bảo quản đóng hộp, sóng từ trường, sóng điện thoại di động, sóng ăng-ten, stress trong đời sống hiện đại… Chế độ dinh dưỡng nhiều dầu mỡ và việc ít vận động cũng làm giảm chất “nam tính” vì sẽ làm tăng khối mỡ trong cơ thể mà mô mỡ chính là nơi tích tụ những độc chất làm suy yếu những “tinh binh”.

Cho và nhận tinh trùng: Giải pháp mang tính nhân văn

Có những trường hợp bất thường về tinh trùng nhưng không đủ khả năng hoặc không thể điều trị ICSI từ chính tinh trùng của mình. Ngày nay, với những phương pháp khoa học tiến bộ, vấn đề cho và nhận tinh trùng đã được đặt ra nhằm giải quyết cho những cặp vợ chồng hiếm muộn mà vẫn bảo đảm gia đình của họ không bị đổ vỡ.

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Quý, Phòng khám Nam khoa – BV Từ Dũ, so với các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác, việc cho và nhận tinh trùng được thực hiện với chỉ định khá gắt gao chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của đứa trẻ được sinh ra từ “cho – nhận tinh trùng” trước khi chúng ra đời. Hiện nay ở nước ta, vấn đề cho – nhận tinh trùng đã được hợp thức hóa bởi Nghị định Chính phủ ngày 12-02-2003 và được hướng dẫn thi hành bởi thông tư số 07/2003/TT-BYT ngày 28-5-2003 của Bộ Y tế.

Theo NHẤT PHƯƠNG – Người lao động